Bước tới nội dung

Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc
中国人民政治协商会议
Lãnh tụMao Trạch Đông
Tống Khánh Linh
Chủ tịchVương Hỗ Ninh
Thành lập21 tháng 9, 1949
Ý thức hệChủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc
Thuộc tổ chức quốc gia Trung Quốc
Màu sắc chính thứcĐỏ, vàng, xanh lam
Khẩu hiệuTrường kỳ cộng tồn,
hỗ tương giám đốc,
can đảm tương chiếu,
vinh nhục dữ cộng.
Websitehttp://www.cppcc.gov.cn
Quốc gia Trung Quốc
Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc
Giản thể
Phồn thể
Dạng ngắn
Giản thể人民政协
Phồn thể人民政協
Nghĩa đenHiệp thương Chính trị Nhân dân
Dạng tối giản
Giản thể政协
Phồn thể政協
Nghĩa đenHiệp thương Chính trị
Tên tiếng Trung thay thế thứ 3
Giản thể新政协
Phồn thể新政協
Nghĩa đenHiệp thương Chính trị mới
Bài viết này là một phần của loạt bài về
Chính trị Trung Quốc

Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (chữ Hán giản thể: 中国人民政治协商会议, Zhōngguó Rénmín Zhèngzhì Xiéshāng Huìyì / Trung Quốc Nhân dân Chính trị Hiệp thương Hội nghị, viết tắt: 全国政协 / Quánguó Zhèngxié, Toàn quốc Chính hiệp) là một cơ quan cố vấn chính trị của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Cơ cấu tổ chức của Toàn quốc Chính hiệp bao gồm các đảng viên Đảng Cộng sản và các thành viên ngoài Cộng sản, tổ chức này thảo luận các nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc. Các thành viên được Đảng Cộng sản Trung Quốc lựa chọn. Cơ quan này tổ chức đại hội hàng năm vào cùng thời điểm với Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc. Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc còn được gọi là Tân Chính hiệp để phân biệt với Cựu Chính hiệp được triệu tập vào tháng 1 năm 1946 (Cựu Chính hiệp có sự tham gia của 5 tổ chức là Trung Hoa Quốc dân Đảng, Đảng Cộng sản Trung Quốc, Đồng minh dân chủ Trung Quốc, Đảng Thanh niên Trung QuốcXã hội Hiền đạt, thành lập ngày ngày 10 tháng 1 năm 1946, đến tháng 11 cùng năm do Quốc Dân Đảng hủy bỏ quyết nghị của Hội nghị Hiệp thương, một mình tuyên bố triệu tập Quốc dân đại hội khiến Cựu Chính hiệp giải thể).

Lịch sử

[sửa | sửa mã nguồn]

Ngày ngày 30 tháng 1 năm 1949, Bắc Kinh được giải phóng, và tại đây vào ngày 15-6 Uỷ ban trù bị của Hiệp thương Chính trị mới đã họp, có 134 đại biểu của 23 tổ chức tham gia. Ngày 17-9, hội nghị toàn thể lần thứ hai Hội nghị trù bị Hiệp thương Chính trị quyết định đặt tên Hội nghị Hiệp thương Chính trị mới là "Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc". Là cơ quan quan trọng hợp tác đa đảng phái và hiệp thương chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, là hình thức quan trọng tuyên dương dân chủ xã hội chủ nghĩa trong đời sống chính trị Trung Quốc nên ngay từ khi thành lập, đoàn kết và dân chủ đã là hai chủ đề lớn của Chính hiệp. Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc tổ chức đại hội hàng năm vào cùng thời điểm với Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc.

Ngày ngày 21 tháng 9 năm 1949, Hội nghị toàn thể lần thứ nhất Hiệp thương Chính trị mới họp tại Bắc Kinh, tuyên bố Hội nghị Hiệp thương Chính trị mới chính thức thành lập, tham gia có 662 đại biểu thay mặt cho 46 đơn vị. Hội nghị đã thông qua Cương lĩnh chung của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, Điều lệ tổ chức của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc và Luật tổ chức Chính phủ nhân dân trung ương nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa. Hội nghị còn thông qua quốc kỳ, quốc ca, thủ đô... và bầu ra các Ủy viên Uỷ ban toàn quốc khoá một của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc. Trong điều kiện chưa thể tiến hành bầu cử phổ thông để bầu ra Quốc hội, nên Ủy ban toàn quốc khoá một đã chấp hành nhiệm vụ nặng nề như là Quốc hội toàn quốc.

Tháng 9-1954, Hội nghị lần thứ nhất Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (tức Quốc hội) họp tại Bắc Kinh, công bố "Hiến pháp nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa". Đến đây, Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Hoa lần thứ nhất với tư cách là tổ chức thi hành chức trách của Quốc hội, đã kết thúc tốt đẹp, nhưng nó vẫn tiếp tục phát huy tác dụng hợp tác đa đảng và hiệp thương chính trị trong đời sống chính trị quốc gia và đời sống xã hội cũng như trong hoạt động hữu hảo đối ngoại và có cống hiến trọng đại trong việc thúc đẩy cách mạng xã hội chủ nghĩa và sự nghiệp xây dựng Tổ quốc. Đến nay, Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc đã có tới khoá 11.

Hiến pháp nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa quy định: chế độ hợp tác đa đảng và hiệp thương chính trị do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo sẽ tồn tại và phát triển lâu dài. Chính hiệp dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc gồm Đảng Cộng sản Trung Quốc và 8 đảng phái dân chủ, nhân sĩ dân chủ không đảng phái, các đoàn thể nhân dân, đại biểu các dân tộc ít người và các giới, đại biểu đồng bào Đài Loan, đồng bào Hồng Kông, Ma Cao và kiều bào trở về nước cũng như một số nhân sĩ được mời đặc biệt, có cơ sở xã hội rộng rãi. Chính hiệp có Uỷ ban toàn quốc và Ủy ban cấp dưới, nhiệm kỳ 5 năm. Mỗi Ủy ban thiết lập chức vụ Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Bí thư trưởng. Hội nghị Chính hiệp mỗi năm họp một lần. Uỷ ban Thường vụ gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Bí thư trưởng và một số Ủy viên Thường vụ. Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Bí thư trưởng là Chủ tịch đoàn Hội nghị, xử lý các công việc quan trọng hàng ngày của Ủy ban Thường vụ.

Ủy viên Chính hiệp cơ sở do Đảng Cộng sản Trung Quốc cùng cấp hiệp thương với các đảng phái dân chủ, Hội Công thương toàn quốc, các đoàn thể nhân dân.. cử ra, không qua bầu cử.

Uỷ viên Chính hiệp từ cấp huyện trở lên do Chính hiệp cấp đó cử ra, nhưng cũng có thể dùng phương thức do Đảng Cộng sản cùng cấp và các đảng phái dân chủ, hội công thương toàn quốc, các đoàn thể nhân dân hiệp thương giới thiệu. Trong trường hợp đặc biệt, Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể đề bạt Ủy viên Chính hiệp toàn quốc, như Hồ Cẩm Đào với cương vị Tổng Bí thư đã phê chuẩn Mao Tân Vũ (cháu nội Mao Trạch Đông) làm Ủy viên Chính hiệp toàn quốc vào tháng 3-2008.

Chính hiệp cấp cơ sở cũng chỉ có các Ủy viên, không có hội viên. Hiện nay, số Ủy ban Chính hiệp địa phương trong cả nước đã lên tới hơn 3.000 cơ sở với hơn 500.000 ủy viên.

Ủy ban toàn quốc và Ủy ban địa phương Chính hiệp có những chức năng chính là hiệp thương chính trị, giám sát dân chủ, tham chính nghị chính.

  • Hiệp thương chính trị là hiệp thương về phương châm chính sách quốc gia và địa phương cũng như những vấn đề quan trọng trong nền chính trị, kinh tế, văn hóa và đời sống xã hội trước khi quyết định, hiệp thương về những vấn đề quan trọng trong quá trình thực thi những quyết sách nói trên. Ủy ban toàn quốc và các Ủy ban địa phương của Chính hiệp có thể căn cứ đề nghị của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ nhân dân, các đảng phái dân chủ, các đoàn thể nhân dân triệu tập hội nghị có người phụ trách các đảng phái và đoàn thể, đại biểu các dân tộc và các giới tham gia, tiến hành hiệp thương, cũng có thể đề nghị các cơ quan kể trên đưa ra hiệp thương những vấn đề quan trọng hữu quan.
  • Giám sát dân chủ là thông qua đề nghị và phê bình giám sát việc tuân thủ Hiến pháp và pháp luật nhà nước, việc quán triệt các phương châm chính sách quan trọng, việc làm của các cơ quan nhà nước cũng như cán bộ làm việc trong các cơ quan nhà nước.
  • Tham chính nghị chính là triển khai điều tra nghiên cứu, phản ánh ý dân, hiệp thương và thảo luận những vấn đề quan trọng trong nền chính trị, kinh tế và đời sống xã hội cũng như những vấn đề được quần chúng nhân dân quan tâm rộng rãi. Thông qua báo cáo điều tra nghiên cứu, đề án, đề nghị cũng như các hình thức khác, nêu ra ý kiến và kiến nghị cho Đảng Cộng sản Trung Quốc và các cơ quan Nhà nước.

Về cơ cấu tổ chức Chính hiệp Trung Quốc có Ủy ban toàn quốc Chính hiệp có nhiệm kỳ là 5 năm, hiện nay là nhiệm kỳ lần thứ 11. Ủy ban toàn quốc gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Tổng Thư ký.

Ủy ban toàn quốc thành lập Ban Thường vụ điều hành công việc. Ban Thường vụ gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký, Ủy viên Ủy ban toàn quốc. Chủ tịch chủ trì công việc của Ban Thường vụ; Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký hỗ trợ công tác với Chủ tịch. Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký tổ chức Hội nghị Chủ tịch để giải quyết những việc quan trọng của Ban Thường vụ.

Ủy ban toàn quốc căn cứ vào nhu cầu của công việc mà thiết lập nhiều Ủy ban chuyên môn. Mỗi Ủy ban chuyên môn có một Chủ nhiệm, các Phó Chủ nhiệm và Ủy viên tiến hành các hoạt động thường xuyên dưới sự lãnh đạo của Ban Thường vụ và Hội nghị Chủ tịch.

Cơ cấu Tổ chức

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. Ủy ban đề xuất đề án.
  2. Ủy ban kinh tế.
  3. Ủy ban dân số, tài nguyên và môi trường.
  4. Ủy ban giáo dục, khoa học, văn hóa, y tế và thể dục.
  5. Ủy ban xã hội và pháp luật.
  6. Ủy ban dân tộc và tôn giáo.
  7. Ủy ban Hồng Kông, Macau, Đài Loan và kiều bào.
  8. Ủy ban đối ngoại.
  9. Ủy ban tư liệu.

Ủy ban toàn quốc thiết lập Văn phòng dưới sự điều hành của Tổng thư ký; dưới Tổng Thư ký có các Phó tổng thư ký hỗ trợ công việc.

Danh sách người đứng đầu Chính hiệp các khóa

[sửa | sửa mã nguồn]
STT Tên Nhiệm kỳ Chức vụ kiêm nhiệm khác Chức vụ trước Ghi chú
1 Mao Trạch Đông khóa I (1949-1954) Chủ tịch nước, Chủ tịch Đảng, Chủ tịch Quân ủy. Chủ tịch danh dự các khoá II, II, IV
2 Chu Ân Lai khóa II, III, IV (1954 - 1976) Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Đảng, Thủ tướng Quốc vụ viện
3 Đặng Tiểu Bình khóa V (1978 -1983) Phó Chủ tịch Đảng, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thứ nhất, Phó Chủ tịch Quân ủy
4 Đặng Dĩnh Siêu khóa VI (1983 - 1988) Ủy viên Bộ Chính trị Phó Chủ tịch Quốc hội
5 Lý Tiên Niệm khóa VII (1988 - 1992) Ủy viên Bộ Chính trị Chủ tịch nước
6 Lý Thụy Hoàn khóa VIII, khóa IX (1993 - 2003) Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị
7 Giả Khánh Lâm khóa X, khóa XI (2003 - 2013) Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Bắc Kinh.
8 Du Chính Thanh khóa XII (2013 -2018) Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thượng Hải.
9 Uông Dương [1] khóa XIII (2018 - 2023) Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng
10 Vương Hỗ Ninh [2] khóa XIV (2023 đến nay) Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư thứ nhất Ban Bí thư

Phó Chủ tịch Chính hiệp

[sửa | sửa mã nguồn]

Là chức danh cấp phó nhà nước thường do các quan chức Đảng, nhà nước, các tổ chức xã hội, nhân sĩ trí thức, lãnh tụ tôn giáo kiêm nhiệm

  • Khóa 12 (đương nhiệm): Đỗ Thanh Lâm, Ban Thiền Lạt Ma thứ 11, La Phú Hòa, Trương Khánh Lê, Trần Nguyên, Vương Gia Thụy, Đổng Kiến Hoa
  • Khóa 1 (1949 - 1954): Chu Ân Lai, Quách Mạt Nhược,...
  • Khóa 2 (1954 - 1959): Lý Duy Hán (Phó chủ tịch thường trực), Tống Khánh Linh, Đổng Tất Vũ, Bành Chân, Quách Mạt Nhược, Lý Tứ Quang, Ban Thiền Lạt ma thứ 10...
  • Khóa 3 (1959 - 1964): Khang Sinh, Lý Duy Hán, Bành Chân, Quách Mạt Nhược, Lý Tứ Quang, Ban Thiền lạt ma thứ 10
  • Khóa 4 (1964 - 1978): Bành Chân, Diệp Kiếm Anh, Tống Khánh Linh, Vi Quốc Thanh, Lý Tứ Quang, Ban Thiền lạt ma thứ 10, Phó Tác Ý, Lý Đức Toàn,...
  • Khóa 5 (1978 - 1983): Ô Lan Phu, Vi Quốc Thanh, Triệu Tử Dương, Tống Khánh Linh, Quách Mạt Nhược, Lý Phương, Trương Trọng, Chu Kiến Nhân, Vinh Nghị Nhân, Lục Định Nhất, Hà Trưởng Công, Dương Tú Kỳ, Khang Khắc Thanh, Sa Thiên Lý, Đổng Kỳ Vũ, Ban Thiền lạt ma thứ 10,...
  • Khóa 6 (1983 - 1988): Diệp Tuyển Bình, Vương Triệu Quốc, Ban Thiền lạt ma thứ 10, Dương Thành Vũ, Chu Kiến Nhân, Vương Quang Anh, Đặng Triệu Dương, Ba Kim, Mã Văn Thụy (bổ sung),...
  • Khóa 7 (1988 - 1993): Vương Nhiệm Trọng, Khang Khắc Thanh, Ban Thiền lạt ma thứ 10, Vương Quanh Anh, Đặng Triệu Dương, Ba Kim, Mã Văn Thụy, Tư Mã Ý,... bổ sung: Đinh Quang Căn, Diệp Tuyển Bình,...
  • Khóa 8 (1993 - 1998): Diệp Tuyển Bình, Ban Thiền lạt ma thứ 11, Vương Triệu Quốc, Đặng Triệu Dương, Ba Kim, Đinh Quang Căn, Chu Quang Á,...
  • Khóa 9 (1998 - 2003): Diệp Tuyển Bình, Ban Thiền lạt ma thứ 11, Vương Triệu Quốc, Ba Kim, Nhiệm Kiến Tân, Trần Hiệu Sinh, Đinh Quang Căn, Trần ârm Hoa, Vương Văn Nguyên, Hồ Khải Lập,...
  • Khóa 10 (2003 - 2008): Lưu Diên Đông, Ba Kim, Đinh Quang Căn, Vương Tiến, Ban Thiền lạt ma thứ 11, Đổng Kiến Hoa,...
  • Khóa 11 (2008 - 2013): Vương Cương, Đỗ Thanh Lâm, Ban Thiền lạt ma thứ 11, Tôn Gia Chính, Lý Kim Hoa, Đặng Phác Phương, Đổng Kiến Hoa, La Phú Hòa, Trần Tông Hưng,...
  • Khóa 12 (2013 - 2018)
  • Khóa 13 (2018 - 2023)
  • Khóa 14 (2023 - nay)

Những tổ chức tham gia Chính hiệp

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. Đảng Cộng sản Trung Quốc
  2. Ủy ban cách mạng Quốc dân đảng Trung Quốc
  3. Đồng minh dân chủ Trung Quốc
  4. Hội kiến quốc dân chủ Trung Quốc
  5. Hội xúc tiến dân chủ Trung Quốc
  6. Đảng dân chủ nông công Trung Quốc
  7. Đảng trí công Trung Quốc
  8. Học xã Cửu Tam
  9. Đồng minh tự trị dân chủ Đài Loan

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ “Trung Quốc: Ông Uông Dương được bầu làm Chủ tịch Chính Hiệp”.
  2. ^ “Ông Vương Hỗ Ninh được bầu làm Chủ tịch Chính Hiệp Trung Quốc”.